ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ CÁCH LY XÃ HỘI

Thế giới như bị chìm sâu trong cơn đại dịch khủng khiếp, làn sóng Covid-19 đang tiếp tục tàn phá khắp nơi. Trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng”, chưa có phương án cứu chữa kịp thời, thì cách ly hay giãn cách xã hội, được xem như một giải pháp hữu hiệu, để phòng trừ và chống lại “cuộc chiến Covid”. Có thể xem đây là “cuộc chiến giữa thời bình, không gươm dao, súng đạn, vũ khí hiện đại, tối tân, nhưng hàng vạn người vô tội đang âm thầm chịu cảnh tang thương, chia ly tử biệt.

Cách ly xã hội, ít nhiều cũng gây chướng ngại trong môi trường sinh hoạt tự nhiên, như buồn chán, khó chịu, trầm cảm, bức xúc, khó khăn, cản trở… Tuy nhiên, nếu nhìn từ tư duy tích cực của người học Phật, thì việc cách ly sẽ đem lại cho chúng ta một lối sống mới, trải nghiệm sự tĩnh lặng, cảm xúc sâu lắng và bình an nội tâm.

1. MỘT SỐ NHẬN THỨC HẠN CHẾ VỀ CÁCH LY XÃ HỘI
Cuộc khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch đang lên đến đỉnh điểm, khiến hàng trăm quốc gia trên thế giới đã và đang dồn hết sức lực, tâm lực và trí lực, thực hiện giải pháp cách ly xã hội, nhằm kiểm soát, ngăn ngừa hoặc làm chậm sự lây lan của bệnh truyền nhiễm. Trước hết ta phải tìm hiểu về khái niệm cách lỵ xã hội. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention, viết tắt là CDC) đã miêu tả cách ly xã hội là “những phương pháp nhằm giảm thiểu tần suất và sự gần gũi giữa những người với nhau để ngăn chặn nguy cơ lan truyền dịch bệnh”. Khi đại dịch Covid – 19 xảy ra, CDC đã đặt khái niệm cách ly xã hội là “tự rời khỏi những nơi nhiều người, tránh tụ tập đông người, và giữ khoảng cách (khoảng 6 feet hoặc 2 mét) với người khác khi có thể “
Khái niệm về nghĩa cách ly xã hội là như thế, nhưng trong bối cảnh hiện tại, không ít người bộc lộ những hạn chế do thiếu nhận thức, nên đã tạo thành những “lực cản” trong việc cách lỵ. Chúng ta có thói quen, sống nương tựa vào người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, để cần sự trợ duyên, giúp đỡ. Tuy nhiên, ta sẽ bất ngờ, hụt hẫng khi bị bắt buộc cách ly vì bị nhiễm hoặc nghi nhiễm. Sống trong môi trường xa lạ, tách biệt với người thân và xã hội, ta có cảm giác khó chịu, bức xúc vì không được thoải mái tự do như đi lại, nói năng, hành động và vui chơi thỏa thích như ý muốn.

Trong thời Covid hiện tại, không ít người có những tư duy sai lệch về cách lý xã hội, thậm chí không muốn cách lỵ, xem cách ly là một “tai nạn”. Nghĩ đến hai chữ “cách lý” là phải đối diện với sự sợ hãi, lo lắng, muộn phiền, cảm giác mình là đối tượng bị bệnh hoặc sẽ bị bệnh nên tự ty, mặc cảm với chính bản thân mình và người khác. Một số người còn lo sợ kẻ khác kỳ thị với mình, tạo ra cảm giác xấu hỗ, chướng ngại…nên dùng mọi cách để từ chối hoặc không muốn cách lỵ. Ở các quốc gia phát triển, không ít người xem cách ly xã hội là điều “ngược dòng”, nên thực hiện cách ly là việc vô cùng khó khăn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây truyền tốc độ đến mức chóng mặt, và hậu quả là “vỡ trận”, con số thống kê chưa đến hồi kết.

Thật ra, cách ly xã hội không phải là điều gì đó quá mới mẻ, một số bệnh cùi, bệnh lao phổi, bệnh truyền nhiễm…đã thực hiện từ hàng thế kỷ trước, vấn đề quan trọng là thái độ nhận thức của con người. Nếu không có tư duy sáng suốt hay thái độ nhận thức rỏ ràng, thì xem cách ly như việc “tra tấn”, dù ở trong khách sạn sang trọng cũng như ở trong địa ngục, ngồi trong phòng lạnh, như ngồi trên đống lửa.

2. TƯ DUY TÍCH CỰC

Ngược lại với “bị cách lý”, là tự cách lỵ, đó là giải pháp tốt nhất mà không ít người đã và đang thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Tự cách lỵ là tự chủ động cách ly bản thân, nhằm hạn chế sự lây truyền nhiễm. Đối với người học Phật, ta hãy tư duy tích cực để thấy rằng, cách ly là mỗi trường tuyệt vời để cho ta có cơ hội chăm sóc tự thân, là khoảng trống cần thiết để thực tập chánh trí, là giây phút nhiệm mầu để nuôi dưỡng chánh niệm, là thời gian quý giá để điều phục và chuyển hóa khổ đau.

Nương tựa vào người khác, bám víu vào người khác, đôi khi sẽ mất thăng bằng, không có khả năng làm chủ chính mình. Mặt khác, sống phụ thuộc hay lệ thuộc, nguy cơ bị ràng buộc, dẫn đến hệ lụy và khổ đau. Giải pháp tự mình cách ly là ý thức trách nhiệm đối với chính mình cũng là ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Trong biến cố “dầu sôi lửa bỏng” của “kiếp nạn covid”, cuộc sống vô cùng mong manh, như nghìn cân treo trên sợi tóc. Nhận thức “kiếp nạn” cũng là vô thường, cộng nghiệp là quy luật tất yếu không thể tránh khỏi, vấn đề quan trọng, là ta phải đối diện với sự thật và tự mình quay về nương tựa chính mình để chế tác năng lượng bình an và hạnh phúc ở nơi ta.

Trước ngày nhập Niết Bàn, Đức Thế Tôn đã có những lời dặn dò đầy tâm huyết cho hàng đệ tử xuất gia của Ngài: “Tất cả các hiện tượng nào có sinh khởi, có tồn tại, có tác dụng trên các hiện tượng khác, nói khác hơn là tất cả các pháp hữu vi, đều phải theo luật vô thường để đi đến hoại diệt. Muốn cho chúng còn mãi còn hoài mà không hoại diệt, đó là một chuyện không thể xảy ra. Như Lai đã từng nhắc nhở quý vị nhiều lần rằng, tất cả những gì ta trân quý hôm nay ngày mai thế nào ta cũng phải buông bỏ và xa lìa. Chính Như Lai chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đi. Vì vậy quý vị phải thực tập làm hải đảo tự thân, biết nương tựa nơi chính mình mà đừng nương tựa vào một kẻ nào khác” (Kinh Hải Đảo Tự Thân).
Trở về nương tựa chính mình, là cơ hội để trở về với mình để thương lấy chính mình, để thấy rỏ cội nguồn của lẽ sống chân thực, đó là cái thấy tuệ giác của Đức Thế Tôn mà ta cần thực tập. Ý thức cái thân giả tạm này dù hôm nay còn mạnh khỏe, nhưng ngày mai sẽ suy yếu, hôm nay chưa bị nhiễm, ngày mai sẽ bị nhiễm. Do đó, ta phải có phương án tự mình cách ly để bảo vệ mình và bảo người khác, thương lấy mình và thương lấy người khác.

Chùa Hoa Sen, TP.HCM TNS

Lưu ý: Quý vị có thể chia sẻ bài viết này để mọi người cùng có ý thức trong mùa dịch mà không cần phải xin phép.

Thích Nguyên Sự