Ông A-Nan trần thuật:
Một hôm nọ, Đức Phật ở trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, tại nước Xá Vệ cùng với số chúng đại Tỳ kheo 1250 người câu hội. Lúc gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn mang bát vào đại thành thứ lớp khất thực. Khi trở về tịnh xá, dùng cơm xong, cất bát, thay y, sau đó Đức Phật rửa chân và trải tọa cụ mà ngồi.
TRỰC CHỈ
Bát Nhã Ba La Mật là thứ trí tuệ rốt ráo. Xử dụng thứ trí tuệ nầy, người ta sẽ thấy nó vượt ngoài tập quán lễ nghi có tính cách hình thức rườm rà.
Cho nên đức Phật nói thời Pháp Bát Nhã Ba La Mật trong một bối cảnh thời gian không gian thật là giản dị.
Thành tựu Bát Nhã Ba La Mật, đời sống của một bậc Thế Tôn, giống y như mọi người không có gì cách ngăn, lập dị: Ăn cơm tối rồi, cất bát, đổi y, rửa chân rồi trải tọa cụ ra ngồi. Hành động đó, với nhãn quan của phàm phu ham danh hiếu vị, họ thấy Như Lai Thế Tôn chỉ là một người tầm thường. Nhưng với nhãn quan của người đạt đạo, thì đó là biêủ hiện của Bát Nhã Ba La Mật, thể hiện qua nếp sống của một Như Lai.
Với tâm hồn đạt đạo, một thiền sư cũng đã thấy và nói:
“…Nhậm vạn trước y thường Tùy duyên trừ cựu nghiệp”
Chuyện tu hành như chuyện mặc áo thay xiêm. Sự đạt đạo giống như việc ăn cơm uống nước. Đang tắm biết mình đang tắm, uống trà biết mình uống trà, trải chiếu ngồi biết mình đang trải chiếu ngồi, nhìn ngắm một cành mai biết mình đang ngắm một cành mai. Muốn có Bát Nhã Ba La Mật, ta phải học làm cho được những cái tầm thường ấy.
Thể hiện hành động tầm thường, có phải chăng Đức Thế Tôn nhằm dạy cho đệ tử mình sử dụng Bát Nhã Ba La Mật trong cuộc sống hằng ngày và qua hành động giản đơn thực tiễn trước mắt.
Trích: BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG.
Xem Đề Cương đầy đủ TẠI ĐÂY