VẤN ĐỀ HÀNG PHỤC TÂM MÌNH [Thích Từ Thông]

Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác phải hàng phục tâm mình như thế nào?

Phật bảo ông Tu Bồ Đề: Phàm có mười loại chúng sanh như: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng. Ta đều khiến cho diệt độ hết vào vô dư niết bàn. Diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh như thế mà đừng thấy có chúng sanh nào được diệt độ.

Tu Bồ Đề! Nếu Bồ tát thấy rằng: ta là người diệt độ chúng sanh, chúng sanh là người được ta diệt độ, thì Bồ tát còn có tướng chấp ngã, chấp nhơn, chấp chúng sanh và chấp thọ mệnh, thì không phải Bồ tát thật.

TRỰC CHỈ

Tuyệt diệu thay! Hệ tư tưởng Bát Nhã Ba La Mật! Bát Nhã Ba La Mật là thứ trí tuệ cao vút tuyệt vời, nó đưa người đệ tử Phật đến đỉnh cao của trí tuệ, đào tạo cho người Phật tử một sức sống lạc quan tích cực, một tâm hồn vị tha vong kỷ. Với tâm hồn lạc quan, vị tha vong kỷ, người Phật tử sống trong thực tế giữa hiện tượng vạn pháp của cuộc đời, mà mỗi bước đi không rời chân như thật tướng.

Một tâm ta có khả năng xây dựng ra mười pháp giới, thì mười loại chúng sanh ấy sanh trưởng ở lòng ta. Nói rõ ra, chúng là những tư tưởng, những quan niệm phát xuất từ ý thức ở lòng ta, những khái niệm, tư tưởng vi tế đến thô động, từ trừu tượng đến cụ thể, luôn luôn chuyển biến trong tâm thức con người còn trong tam giới.

Thai sanh là những loại sanh do kết tinh từ phôi thai. Noãn sanh là những loài sanh trứng rồi phát triển hình thành từ trứng. Thấp sanh là những loại sanh từ nước, từ chỗ ẩm ướt sanh ra. Hóa sanh là những loại sanh ra do biến hóa, do thoát xác mà thành. Hữu sắc là những loại có hình hài sắc chất. Vô sắc là những loại tư tưởng không nương gá sắc chất hình hài. Phi hữu tưởng là những loại tư tưởng vi tế, không còn tưởng thô. Phi vô tưởng là những khái niệm vi tế gần như bặt hẳn không còn niệm. Gọi mười loại sanh ấy là chúng sanh, vì “giả chúng duyên nhi sanh, cố viết chúng sanh”: Tất cả đều nương các duyên mà sanh khởi, nên gọi “chúng sanh”. Là Bồ tát cần diệt độ (diệt trừ, độ tận) tất cả, khiến cho chúng vào vô dư Niết bàn. Nói rõ hơn: Bồ tát cần xóa sạch hình bóng, tác động, cho đến khái niệm vi tế của chúng trong tư duy, trong ký ức của mình. Diệt độ xóa sạch hết mà nên quên đi mình là người diệt và chúng sanh là đối tượng bị diệt độ.

Vĩnh Gia Huyền Giác nói:

“Ngũ uẫn phù hư không khứ lai Tam độc thủy bào hư xuất một”

Vạn vật không ngoài năm uẩn, nhưng xét cho tột, ngũ uẩn chỉ là sự hợp tan. Vô minh không ngoài tam độc, nhưng tư duy cho cùng, tam độc tụ tán như bọt nước đầu ghềnh. Năng độ và sở độ chỉ có thể dùng khi còn:

“. Mộng lý minh minh hữu lục thú”: Con người còn mê muội trong sáu nẻo luân hồi.

Và nó không còn tác dụng lúc:

“Giác hậu không không vô đại thiên”: Đến lúc giác ngộ rồi thì cõi tam thiên đại thiên trở thành “Nhất chân pháp giới”, “cảnh giới bất nhị”.

Bởi vậy Bồ tát hàng phục tâm mình bằng cách xóa hết năng độ, sở độ ở lòng mình. Bồ tát thấy rõ là:

Vô minh thật tánh tức Phật tánh” “Ảo hóa không thân tức pháp thân”.

Trích: BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG.

Xem Đề Cương đầy đủ TẠI ĐÂY