Đáp câu hỏi: Vân hà ưng trụ kỳ tâm
Phật dạy: Đúng như pháp tánh, Bồ tát làm việc bố thí mà không nên trụ chấp việc bố thí của mình làm. Đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp Bồ tát nên bố thí hết. Bố thí mà không chấp nơi hành động bố thí, bố thí như vậy phước đức nhiều vô lượng vô biên. Hư không ở tám hướng, mười phương nhiều không thể dùng trí óc suy lường. Bồ tát bố thí mà không trụ, không chấp tướng, thì phước đức nhiều như hư không vô lượng vô biên của mười phương kia vậy.
Tu Bồ Đề! Bồ tát nên trụ tâm như lời dạy của Như Lai!
TRỰC CHỈ
Pháp tánh và Phật tánh chỉ là tên gọi khác của bản thể CHÂN NHƯ. Nhận thức trên mặt ĐỒNG, ta thấy Phật tánh và pháp tánh là một. Nhận thức qua mặt DỊ, ta thấy Phật tánh và Pháp tánh không phải một.
“Phật tánh tại hữu tình “Pháp tánh tại vô tình
“Phật tánh bản lai vô nhị tánh “Nhất hóa năng thiêu bách vạn sài”
Pháp tánh tự nó thanh tịnh. Pháp tánh tự nó không xan tham, không có thủ xả, không có cái của ta của mi. Cái tự tánh thanh tịnh sẵn có của hữu tình chúng sanh gọi là Phật tánh. Cái tự tánh thanh tịnh sẵn có của vô tình chúng sanh gọi là Pháp tánh. Phật tánh và pháp tánh không hai, ví như cùng một thứ lửa tùy đốt vào củi mà tên lửa và độ nóng có khác. Sự thật, pháp tánh là tự tánh “như thị bản nhiên” của hiện tượng vạn pháp. Nó không là sắc, là thanh, là hương, là vị, là xúc, là pháp…Cho nên sống đúng với pháp tánh, thì gọi là bố thí, kỳ thật Bồ tát chẳng có bố thí gì.
Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là vật chất tồn tại khách quan, là hiện tượng vạn vật tồn tại của vũ trụ. Tham lam mù quáng, chấp mắc si mê, bảo thủ, ù lì, đam mê rồ dại, thương cảm yếu hèn, luyến ái đần độn, nghĩ ngợi viễn vông là những thứ làm cho con người sống trái với pháp tánh thanh tịnh “như thị bản nhiên” của vạn hữu an bài.
Bồ tát sống với ý thức an nhiên, theo quy luật vận hành biến dịch:
….“Chư pháp tùng bản lai “Thường tự tịch hiệt tướng Xuân đáo bách hoa khai Hoàng oanh đề liễu thượng…”
Trạng thái bố thí của Bồ tát là thí tất cả mà chẳng thấy có thí gì. Tu như thế, gọi là XỨNG TÁNH KHỞI TU. Sống như thế, gọi là TÙY THUẬN PHÁP TÁNH. Cho nên, gọi là làm việc bố thí, nhưng Bồ tát không TRỤ TƯỚNG, không chấp đó là CÔNG ĐỨC, đó là hành động bố thí do mình làm. Bởi vì sự tu hành đó chỉ là sống cho phù hợp với pháp tánh vốn vậy của chính mình. Sống đúng pháp tánh, tùy thuận pháp tánh là có phước đức, mà không cần TRỤ CHẤP CÔNG LAO để mong chờ, để đòi hỏi phước đức ở nơi ai khác ưu ái ban cho.
“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”
Là Bồ tát đối với hạnh bố thí phải cảnh giác với tự tâm:”ƯNG VÔ SỞ TRỤ” đừng chấp việc bố thí của mình. Bố thí như thế, phước đức nhiều như hư không trong mười phương, phước đức vô lượng vô biên vậy.
Trích: BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG.
Xem Đề Cương đầy đủ TẠI ĐÂY