Ông Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Có thể có chúng sanh nghe những lời lẽ, ý thú về vấn đề hàng phục tâm và trụ tâm như thế, sanh lòng tin thật chăng?
Phật bảo: Tu Bồ Đề! Ông đừng lo nghĩ như vậy, sau Như Lai diệt độ, 500 năm về sau vẫn có người tu hành và sanh lòng tin thật đối với vấn đề hàng phục và trụ tâm như thế.
Tu Bồ Đề! những người sanh lòng tin thật là những người từng vun trồng căn lành không những ở một, hai, ba, bốn, năm Đức Phật. Họ đã trồng căn lành với vô lượng ngàn muôn Đức Phật rồi.
Nếu có người nghe ý thú kinh nầy, sanh lòng tin trong sạch thì Như Lai đều biết đều thấy những chúng sanh đó phước đức vô lượng vô biên, như hư không của mười phương. Vì những chúng sanh đó, không có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ mệnh. Họ cũng không còn tướng chấp chánh pháp hay là phi pháp. Vì sao? Vì nếu họ còn chấp bốn tướng thì đã không tin nổi lời của Như Lai nói. Vì vậy, Bồ tát không nên chấp: Ngã, nhơn, chúng sanh và thọ mệnh, cũng không nên chấp chánh pháp hay phi chánh pháp.
Do nghĩa đó, Như Lai thường nói: Các tỳ khưu, phải biết pháp của Như Lai nói ví như thuyền bè. Chánh pháp còn phải bỏ, huống hồ phi pháp!
TRỰC CHỈ
TIN là cửa ngõ vào đạo. Người không có đức tin coi như tự mình đóng bít cửa ngõ vào đạo của mình. Nhưng có đức tin quá nhẹ dạ, tin điên đảo quàng xiên, tin cậu cốt, cô đồng thì không phải là những đức tin cần có cho người Phật tử muốn đi trên đường giải thoát giác ngộ. Trái lại, đạo Phật xem những đức tin quàng xiên, nhảm nhí, như một thứ bùn đen, khi chiếc áo trắng bị nhuộm rồi, thì khó mà nhuộm những màu sắc thắm tươi, xinh đẹp. Người đệ tử Phật phải hết sức thận trọng đức tin.
Về đức tin, trong nền giáo lý Phật được phân tích chọn lọc kỹ càng. Đại để chia thành sáu thứ:
- Tín tự: Phải tin mình là Phật và tin khả năng thành Phật của mình.
- Tín tha: Tin lời Phật dạy là thật. Hành đúng lời Phật dạy sẽ có giải thoát, giác ngộ thật.
- Tin nhân: Rằng muốn ăn quả, tất phải trồng cây. Không trồng cây, chỉ cầu nguyện van xin để được có quả ăn là điều không thể có.
- Tín quả: Quả ngọt được ăn hiện nay là do ta đã trồng cây ở những năm tháng trước. Không bao giờ có quả mà chẳng phát xuất tự hạt nhân.
- Tín sự: Làm tất cả việc thiện, không phải Phật, diệt trừ vô minh phiền não nội tâm, cũng không phải Phật. Nhưng do làm những việc đó mà Phật tánh sẵn có của ta mới được hiện ra.
- Tín lý: Si mê thì ta là chúng sanh, sống triền miên đau khổ ở cõi Ta Bà. Giác ngộ thì ta là Bồ tát, Phật, Bồ Đề, Niết Bàn, Cực lạc thế giới, ở tại chỗ mà ta đang ở.
Giáo lý kinh Bát Nhã Ba La Mật nghe mà sanh lòng tin trong sạch là người chánh tín. Sự chánh tín đó được nhân lên gấp nhiều lần. Vì người có được chánh tín là người đã dứt trừ được bốn tướng chấp. Người đó cũng dứt hết tướng chấp về CHÁNH PHÁP và PHI PHÁP nữa. Họ đã có Bát Nhã Ba La Mật và sống với Bát Nhã Ba La Mật rồi vậy. Người đó đã trồng căn lành với vô lượng nghìn muôn Đức Phật rồi. Do vậy, phước đức của họ nhiều vô lượng vô biên.
Là Phật tử chân chính, phải hết sức thận trọng đức tin. Phải tránh xa những gì MÊ TÍN, có tánh cách huyển hoặc hoang đường. Giá trị của một lòng tin CHƠN CHÁNH phải được phát xuất từ Bát Nhã Ba La Mật, một thứ trí tuệ đến nơi đến chốn. Thứ trí tuệ tột chót đỉnh cao!
Trích: BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG.
Xem Đề Cương đầy đủ TẠI ĐÂY