VẤN ĐỀ CHỨNG ĐẮC TRONG ĐẠO PHẬT, NGƯỜI PHẬT TỬ PHẢI HIỂU NHƯ THẾ NÀO? [Thích Từ Thông]

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Ông hiểu thế nào? Những người chứng đắc tứ quả Thanh văn, có thể nghĩ rằng chính mình đã chứng được tứ quả Thanh văn chăng?

Ông Tu Bồ Đề thưa: Không thể, theo con hiểu

  • Tu Đà Hoàn là được quả nhập lưu, nhưng thực ra không nhập vào đâu cả. Tại vì không nhập, không dính mắc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp gọi là Tu Đà Hoàn.
  • Tư Đà Hàm là được quả nhất lai, nhưng thật ra chẳng thấy có vãng lai, nên gọi là Tư Đà Hàm.
  • A Na Hàm là người được quả bất lai, mà không thấy có tướng bất lai, nên gọi là A Na Ham.

Bạch Thế Tôn! Gọi là A La Hớn, kỳ thực chẳng có cái chi là A La Hớn cả. Bạch Thế Tôn! Nếu có vị A La Hớn nghĩ rằng: Tôi được quả A La Hớn thì mắc vào bốn tướng chấp: Ngã, nhơn, chúng sanh và thọ mệnh, thế thì không còn được gọi là A La Hớn nữa.

Bạch Thế Tôn! Phật đã khen: Rằng Tu Bồ Đề được vô tránh tam muội, là người bậc nhất, là A La Hớn ly dục đứng đầu.

Bạch Thế Tôn! Nếu con có ý nghĩ: Rằng con được quả A La Hớn thì Thế Tôn đã hẳn chẳng khen: Tu Bồ Đề là con người ưa hạnh tịch tịnh. Do vì con không móng niệm chấp mắc, Thế Tôn mới khen: Tu Bồ Đề là con người ưa hạnh tịch tịnh.

TRỰC CHỈ

  • Vấn đề chứng đắc là phương tiện giả lập danh ngôn. Hành giả chân chính không bao giờ để tâm ước mong chứng đắc. Uớc mong chứng đắc và xem sự chứng đắc như một chức tước, phẩm trật thụ phong là một sự sai lầm trầm trọng đáng thương. Người đó vĩnh viễn ở ngoài lề Phật pháp. Phải hiểu rằng: Tất cả quả vị từ thấp tới cao là do sự giác ngộ chân lý, giải thoát vô minh phiền não trọn vẹn hay chưa của hành giả mà ước định.

Không một đấng tha nhân, một thế lực siêu nhiên nào có quyền ân sủng ban cho hay thương tình phong tặng. Sự giải thoát giác ngộ đến mức độ nào, tùy thuộc sự nhận thức của hành giả đối với: Vô minh, hoặc lậu và công dụng hóa giải, đấu tranh, giữa hai lực lượng GIÁC của thâm tâm mình trong cuộc sống hằng ngày. Theo Phật học: Mâu thuẩn cơ bản và cũng là mâu thuẩn đối kháng giữa triền phược và giải thoát, giữa giác ngộ và mê mờ của hành giả, được thể hiện qua ba từng hoặc lậu. Đó là những đối tượng cần được hóa giải và đấu tranh của một hành giả phát tâm đi con đường Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Những hoặc lậu đó là:

1. HOẶC KIẾN, TƯ: Hoặc nầy ràng buộc chúng hữu tình trôi lăn trong tam giới, lên xuống ở sáu đường (hoặc giới nội). Gọi là hoặc KIẾN TƯ cho nên có:

A.Kiến hoặc: Kiến hoặc là sự sai lầm về nhận thức, hoặc nầy gồm có:

1. Thân kiến, 2. Biên kiến

3. Tà kiến, 4. Kiến thủ kiến,5. Giới cấm thủ kiến

B.Tư hoặc: Đây là sự sai lầm cả nhận thức lẫn hành động, gồm có:

  1. Tham, 2. Sân, 3. Si, 4. Mạn, 5. Nghi, 6. Ác kiến

2. HOẶC TRẦN SA: Hoặc trần sa che chướng chân lý, làm cho năng lực giác ngộ bị kềm hãm, sự giáo hóa chúng sanh bị hạn chế tiêu cực. Những người đã được ra ngoài ba cõi, vẫn còn bị tác động bởi hoặc nầy. Còn hoặc trần sa, chưa hóa giải hết, địa vị chỉ đến được A La Hớn quả và Bích chi Phật của nhị thừa. Khác với hoặc kiến tư, hoặc trần sa không biểu hiện một trạng thái một cụ thể nhất định nào ở chủ quan nội tại. Nó là hậu quả của sự nhận thức chân lý chưa hoàn thiện. Vì nó cũng chỉ là thứ hoặc lậu vốn dĩ hư huyển của tha nhân. Nói một cách dễ hiểu: Đối với chân lý, người nhị thừa chỉ nhận thức ước độ 60 phần trăm. Do trần sa hoăc che chướng 40 phần trăm chân lý còn lại.

3. HOẶC VÔ MINH: So với hoặc trần sa của người nhị thừa, hoặc vô minh che chướng một phần vi tế đối với chân lý. Hoặc vô minh làm hạn chế một phần nhỏ sự giác ngộ chân lý của Bồ tát. Nó chỉ có thể làm cho Bồ tát còn một chút ngần ngại bước tiến của mình trên đường đến đích: Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Tóm lại, vấn đề chứng đắc quả vị chỉ là sự ước định cái năng lực hóa giải đấu tranh, diệt trừ hoặc chướng trên đường tu tập từ phàm phu đến Phật quả. Nó chỉ được xem như những trụ số, lưu luyến trụ số, không thể tiến đến xa hơn. Hành giả Phật tử chấp mê tham luyến quả vị là phạm phải sai lầm nghiêm trọng, bước tiến sẽ bị chận đứng trên đường giác ngộ giải thoát. Vướng mắc vào quả vị cũng là vướng mắc bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mệnh. Vướng mắc vào chứng đắc, cũng tức là vướng mắc bốn chứng bịnh trầm kha: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mệnh. Đã vướng mắc rồi, tinh tấn bao nhiêu, có khổ công khổ hạnh thế nào, cũng chỉ là người mò trăng đáy nước, nấu cát mong được thành cơm! Không có ngày hiện thực.

Vấn đề chứng đắc, người đệ tử Phật nên thận trọng, lưu tâm!

Trích: BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG.

Xem Đề Cương đầy đủ TẠI ĐÂY